Top phim Việt hay nhất về thủ đô Hà Nội

Những bộ phim khắc họa về Hà Nội từ thời chiến đến quá trình chuyển mình của đất nước, cùng xem mảnh đất này đã chuyển mình ra sao giữa dòng chảy thời gian nhé.

top-phim-viet-hay-nhat-ve-thu-do-ha-noi

Review Phim Z

T5, 10/10/2024

Long Thành cầm giả ca

Để mở đầu danh sách ngày hôm nay, chúng mình cùng đến với một Hà Nội từ rất, rất lâu về trước qua tác phẩm Long Thành cầm giả ca, được dựng từ kịch bản dày dặn của nghệ sĩ ưu tú Văn Lê. Đây chính là bộ phim kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010, dựa trên bài thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du. Phim theo chân Tú, như tên chữ của chính tác giả, cùng tình yêu của nhân vật này dành cho cô gái tên Cầm. Chàng là tân khoa đã có hiền thê, nổi tiếng với những vần thơ lay động lòng người. Nàng là con gái của một ca kỹ, xinh đẹp, yêu kiều với tiếng đàn mê hoặc. Dưới một thời đại chiến tranh hỗn loạn, tình yêu của họ được định sẵn bằng một kết cục bi đát trong một xã hội phong kiến hà khắc. Nỗi lòng của hai con người chỉ còn biết thổi vào những con chữ, chảy theo những âm thanh đầy day dứt, tiếc nuối. Với tiêu đề được dịch sát nghĩa là "bài ca người con gái gảy đàn ở kinh thành Thăng Long", giống như Truyện Kiều, tác phẩm là sự cảm thông dành cho những vận đời nhỏ bé bị vùi dập bởi xã hội.

Phim kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010, dựa trên bài thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du
Phim kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010, dựa trên bài thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du

Lấy bối cảnh lịch sử cuối thời nhà Lê, đầu thời Nguyễn, phải dành lời khen cho đạo diễn Đào Bá Sơn khi tái hiện một kinh thành Thăng Long rất có hồn và ngay lập tức gợi được cảm giác hoài cổ. Từ trang phục, cách ăn nói, nếp sinh hoạt của người dân Hà Nội đều được chăm chút tỉ mỉ, không cần tô vẽ mà rất giản dị, chân thật. Phần lời thoại, dù đậm tính kịch, nhưng trùng hợp thay lại ăn khớp với thời đại mà phim nhắc đến: rất lịch sự, trang trọng. Kể lại khúc bi tình đẹp mà man mác buồn, Long Thành cầm giả ca có lẽ là một trong số ít những phim cổ trang của Việt Nam được thực hiện chỉn chu, chứng minh rằng với sự tìm hiểu kỹ càng, việc đưa được cái đẹp của quá khứ lên màn ảnh là điều hoàn toàn khả thi.

Em bé Hà Nội

Mở đầu với một cảnh rất kỳ lạ, một cô bé chạy ngược dòng người, chặn cả những chiếc xe của bộ đội tên lửa để hỏi địa chỉ của cha. Anh lính nọ thấy lạ liền kéo lại hỏi quê quán, và khi nghe thấy tên con phố Khâm Thiên, chợt đôi mắt anh đăm buồn. Ngày 26 tháng 12 năm 1972, không quân Mỹ cho máy bay rải thảm dọc Khâm Thiên, phá hủy 534 ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của 287 người. Ước tính có 178 đứa trẻ đã mồ côi sau đêm hôm đó. Từ đây, chỉ với hai câu thoại ngắn ngủi, toàn bộ bi kịch của Em bé Hà Nội đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tiếng cười, pháo hoa và những lớp học trong tâm trí cô bé Ngọc Hà đều đã biến mất. Hiện thực trong mắt em giờ đây chỉ còn đống gạch vụn, chỉ còn những hố bom loang lổ trên mặt đất như vết thương trên da thịt và cả tâm trí của người dân Hà Thành.

Hình ảnh Hà Nội ngày đó hiện lên đầy ám ảnh trong Em bé Hà Nội
Hình ảnh Hà Nội ngày đó hiện lên đầy ám ảnh trong Em bé Hà Nội

Có lẽ phải đến khi xem phim, ta mới hiểu thế nào là việc đang đi bộ trên đường đột nhiên nghe thấy tiếng báo động, phải vội tìm chỗ trú ẩn. Bác sĩ đang khám bệnh phải vội bế bệnh nhân chạy để tránh bom. Hà Nội qua cái nhìn của đạo diễn Hải Ninh hiện lên thật khốc liệt, khó khăn, nhưng cũng chính vì thế, phần cảnh những người lớn nhường chỗ của mình cho Ngọc Hà để lấy gạo chuyển đi đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về tình người mà chẳng cần đến lời thoại. Dù tiếng bom ngày đêm quấy rầy trên bầu trời, Ngọc Hà vẫn kéo cây vĩ cầm để những giai điệu du dương che lấp đi âm thanh của cái chết. Một tác phẩm tuyệt đẹp và thật cảm xúc, với những góc máy đầy ẩn ý cùng phần nhìn chân thực. Hình ảnh Hà Nội ngày đó hiện lên đầy ám ảnh. Việc tái thiết thủ đô vẫn còn nằm trên những trang giấy, một Hà Nội tươi đẹp, bình yên chỉ có trong giấc mơ của những người kỹ sư.

Hà Nội 12 ngày đêm

Nhưng đến khi nhìn lại Hà Nội sầm uất của bây giờ, ta phải công nhận rằng hy vọng và nghị lực của con người ẩn chứa một sức mạnh khổng lồ. Với mục đích ép các lãnh đạo phía Việt Nam quay lại bàn đàm phán sau khi sửa 69 điểm trong bản dự thảo Hiệp định Paris, ngày 17 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh mở cuộc tấn công tổng lực bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã lân cận. Theo ước tính, từ ngày 18 tháng 12 đến ngày 30 tháng 12 năm 1972, Mỹ đã huy động 197 máy bay B-52, kèm theo đó là 999 chiếc máy bay chiến thuật, nhằm thực hiện 729 lần ném bom trên toàn miền Bắc. Với hỏa lực mạnh đi kèm với công nghệ hiện đại bậc nhất thời điểm bấy giờ, Mỹ tin rằng sẽ đưa Hà Nội và toàn bộ miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Đứng trước viễn cảnh đó, quân và dân ta đã anh dũng chống trả suốt 12 ngày đêm không biết mệt mỏi. 36.000 tấn bom thả xuống là không đủ để quật ngã ý chí và khát vọng hòa bình của người dân Hà Nội. Ngược lại, chính những kẻ gieo rắc nỗi kinh hoàng lên mảnh đất nghìn năm văn hiến mới là người bị bẻ gãy ý chí chiến đấu. 81 máy bay B-52 bị bắn hạ, hàng trăm máy bay chiến thuật rụng ngay trên bầu trời Hà Nội, biến 12 ngày đêm địa ngục trở thành trận Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng.

12 ngày đêm địa ngục tại Điện Biên Phủ
12 ngày đêm địa ngục tại Điện Biên Phủ

Mỗi chi tiết trong phim đều được chọn lọc kỹ càng để ta thấy muôn vàn mảnh đời khác nhau trong cuộc chiến khốc liệt. Đó là người chiến sĩ xin phép mẹ và họ hàng rời linh cữu của cha để đi làm nhiệm vụ, là tiểu đoàn trưởng Đặng Nhân bùi ngùi chia tay người vợ trong đêm tân hôn, là đôi tình nhân phải dừng nụ hôn trên ghế đá bờ hồ Hoàn Kiếm khi máy bay B-52 tiến hành oanh tạc, là cô y tá Hạnh Ngân kẹt cứng dưới hầm trú bom tại phố Khâm Thiên. Có thể nói, Hà Nội 12 ngày đêm là bản trường ca về lòng dũng cảm của người dân thủ đô trong những tháng ngày đối mặt với mưa bom bão đạn. Dù vẫn còn vài thiếu sót do hệ thống nhân vật quá lớn dẫn đến chưa khai thác được hết tiềm năng, những câu chuyện xung quanh dòng chính đó là đủ để ta cảm nhận sự hùng tráng và đau thương mà chiến tranh mang lại, từ đó thêm phần trân trọng hòa bình như ngày hôm nay.

Phía trước là bầu trời

Rời xa chiến tranh và khói lửa, Hà Nội của những năm 2000 trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ Trần Tiến có nhà cao vươn trong mây xanh, phố vẫn nhỏ, con đường vẫn nhỏ để em bước trong thu vàng. Hà Nội đã thay da đổi thịt, trở thành một đô thị sầm uất và trẻ trung. Người tứ xứ đổ đến làm ăn, mưu sinh. Giữa dòng chảy không ngừng ấy là câu chuyện của Nguyệt, Thương và Nhung trong Phía trước là bầu trời. Dù đã 20 năm công chiếu, nhiều khán giả vẫn nhận định bộ phim là một trong những tác phẩm chân thực nhất về đời sống sinh viên tại thủ đô, đặc biệt là với những bạn trẻ từ nơi khác đến. Ngay cả khi Hà Nội của những năm 2020 đã có nhiều thay đổi, cuộc sống sinh viên thời nào vẫn vậy: vẫn là những căn phòng trọ cũ kỹ nằm sâu trong hẻm, vẫn là những chiếc xe đạp cà tàng và những chiếc xe buýt len lỏi khắp nơi, vẫn là những phút giây cô đơn và mệt mỏi khi phải đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc sống nơi đô thị.

Trong Phía trước là bầu trời, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã khắc họa chân thực cuộc sống của ba cô gái trẻ từ nông thôn lên thành phố học tập và lập nghiệp, với những khó khăn, vất vả mà họ phải đối mặt để tìm chỗ đứng tại Hà Nội. Nguyệt, Thương và Nhung, mỗi người với một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau, nhưng đều mang trong mình những ước mơ và hoài bão lớn lao khi bước chân vào cánh cửa đại học. Sự chật vật khi xoay sở tiền trọ, tiền học, hay những thất bại trong công việc, tình cảm đều là những trải nghiệm rất đời, rất chân thật mà nhiều người trẻ xa quê lên Hà Nội có thể nhìn thấy bản thân mình trong đó.

Bức tranh chân thật mà nhiều người trẻ xa quê lên Hà Nội có thể nhìn thấy
Bức tranh chân thật mà nhiều người trẻ xa quê lên Hà Nội có thể nhìn thấy

Những con đường nhỏ, những khu nhà trọ chật chội nằm sâu trong hẻm, hình ảnh các cô gái đạp xe giữa những hàng cây rợp bóng trên con phố cũ, tất cả đều tái hiện lại một Hà Nội vừa thân quen, vừa xa lạ. Không chỉ là những cảnh vật đặc trưng, bộ phim còn gợi lên nỗi nhớ về những ngày tháng sinh viên vất vả nhưng đầy ắp kỷ niệm. Hà Nội trong Phía trước là bầu trời không chỉ là một thành phố tấp nập, đông đúc, mà còn là nơi để mỗi nhân vật nhìn lại chính mình, đối diện với những áp lực và khó khăn để trưởng thành.

Bên cạnh đó, bộ phim cũng gợi lên những nỗi đau ngầm ẩn phía sau sự vất vả thường ngày của mỗi nhân vật. Đó là Nguyệt, cô gái luôn thể hiện sự mạnh mẽ và sắc sảo, nhưng cũng đầy tham vọng và sẵn sàng làm mọi cách để đạt được mục tiêu. Là Thương, một cô gái hiền lành, giản dị, phải đối mặt với sự khó khăn trong gia đình và những áp lực tài chính đè nặng lên đôi vai. Hay Nhung, một nhân vật trầm lặng, ít nói nhưng lại mang trong mình những hoài niệm và ký ức buồn về tình yêu đã qua.

Điều thú vị là, dù đã hơn hai thập kỷ kể từ khi bộ phim ra mắt, những tình huống và cảm xúc trong Phía trước là bầu trời vẫn còn nguyên giá trị đối với người xem ngày nay. Câu chuyện về sự đấu tranh cho tương lai, về tình bạn và tình yêu của những người trẻ khi đối diện với cuộc sống khắc nghiệt vẫn luôn là chủ đề thời sự. Và Hà Nội, trong những khoảnh khắc ấy, không chỉ là một không gian sống, mà còn là nơi gắn kết những con người với nhau, là nơi để họ khám phá bản thân và trưởng thành qua từng vấp ngã.

Bài viết liên quan

top-phim-kinh-di-chau-a-kinh-tom-nhat-the-ky-21
13 phút đọc

Top phim "kinh dị" châu Á kinh tởm nhất thế kỷ 21

top-phim-kinh-di-chau-a-kinh-tom-nhat-the-ky-21

Review Phim Z

T3, 17/09/2024
top-phim-co-trang-hoa-ngu-hay-nhat-2024
7 phút đọc

Top phim cổ trang Hoa Ngữ hay nhất 2024

top-phim-co-trang-hoa-ngu-hay-nhat-2024

Review Phim Z

CN, 29/09/2024
top-phim-kinh-di-dang-xem-da-ra-mat-nam-2024
12 phút đọc

Top phim "kinh dị" đáng xem đã ra mắt năm 2024

top-phim-kinh-di-dang-xem-da-ra-mat-nam-2024

Review Phim Z

T3, 03/09/2024

Có thể bạn sẽ thích